Tại thời điểm này, giá gỗ rừng trồng tại Bình Định đang sình sịch lên cơn sốt. Với 4 ha rừng cho khai thác, một gia đình cầm chắc khoản lãi hơn 200 triệu đồng. Nếu như cách đây 5 tháng, giá gỗ keo lai chỉ nhỉnh hơn 1,1 triệu đồng/tấn thì hiện đang được thu mua tại nhà máy đến 1.270.000đ/tấn; giá gỗ bạch đàn ổn định mức 1.120.000đ/tấn.
MỤC LỤC
Người trồng rừng phấn khởi
Nông dân Đỗ Trần Quốc ở thôn An Hội Bắc, xã Hoài Sơn (huyện Hoài Nhơn), phấn khởi cho biết:
“Gia đình tui trồng được 12 ha rừng keo lai từ nhiều năm trước. Trong thời điểm giá gỗ nguyên liệu giấy tăng cao, tui khai thác 4 ha tại thôn An Hội Bắc. Được nhà máy thu mua 1.270.000đ/tấn keo lai, sau khi trừ mọi chi phí đầu tư tui còn lãi ròng hơn 50 triệu đồng/ha.
Với 4 ha rừng vừa khai thác, gia đình tui cầm được khoản lãi hơn 200 triệu đồng. Năm nay, gia đình tui sẽ ăn cái Tết Nguyên đán vui vẻ”.
Ở cùng thôn An Hội Bắc, nông dân Phan Đình Thương cũng có niềm vui tương tự. Gia đình ông Thương hiện có 7 ha rừng trồng đang vào chu kỳ khai thác. Với giá gỗ nguyên liệu giấy tăng cao như hiện nay, ông Thương thu được khoản lãi ròng trên 300 triệu đồng từ những cánh rừng.
Với những hộ có diện tích rừng trồng khiêm tốn như ông Quốc, ông Thương mà khi gỗ rừng trồng tăng giá đã vui đến vậy, thì với “đại gia” rừng trồng Cù Văn Mẫn ở thôn Bình An 1, xã Phước Thành (huyện Tuy Phước) thì niềm vui còn nhân lên gấp nhiều lần.
Ông Mẫn có thâm niên hơn 12 năm trồng rừng SX, hiện đang sở hữu trên 100 ha rừng keo lai có nhiều độ tuổi khác nhau. Ngoài trồng rừng trên những diện tích đất trống, đồi trọc tại xã Phước Thành, ông Mẫn còn thuê đất ở các địa phương khác ngoài huyện Tuy Phước để trồng thêm.
Hàng năm bình quân ông Mẫn khai thác khoảng 10 ha rừng. Với giá gỗ nguyên liệu giấy cao như hiện nay, năm nay ông Mẫn cầm chắc trong tay khoản lãi ròng trên 500 triệu đồng.
Bình Định là tỉnh có diện tích rừng trồng cao nhất miền Trung với hơn 100.000 ha. Theo ông Nguyễn Thế Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp Bình Định, sản lượng khai thác gỗ rừng trồng tại tỉnh này trong những năm gần đây tăng khá lớn. Chỉ tính riêng năm 2014, sản lượng khai thác gỗ rừng trồng ở Bình Định đạt đến 600.000 tấn.
“Giá gỗ rừng trồng tăng cao như hiện nay, những đơn vị, hộ gia đình tham gia trồng rừng SX đang rất phấn khởi vì ăn nên làm ra”, ông Dũng nói.
Do tranh mua nguyên liệu
Theo lãnh đạo các nhà máy chế biến dăm gỗ XK ở Bình Định, sở dĩ giá gỗ rừng trồng tăng cao là do thị trường XK dăm gỗ chủ yếu của tỉnh này là Trung Quốc.
Hiện Trung Quốc đang vào mùa nắng, là chính vụ SX, nên đang tổ chức thu mua nguyên liệu rất mạnh. Trong khi đó, tại Bình Định hiện nay đang có đến 21 nhà máy chế biến dăm gỗ XK nên việc cạnh tranh thu mua nguyên liệu đã đẩy giá gỗ rừng trồng tăng cao.
“Bình Định đang nghĩ đến chuyện khai thác hết tiềm năng kinh tế của gỗ rừng trồng, bằng cách sẽ không khai thác rừng non xuất thô, cung cấp cho nhà máy SX dăm gỗ mà sẽ nuôi rừng lâu hơn, nhằm khai thác gỗ lớn phục vụ cho ngành chế biến lâm sản”, ông Nguyễn Thế Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp Bình Định, nhận định.
Ông Võ Vạn Toàn, Phó GĐ Cty TNHH Sông Kôn (đơn vị chuyên chế biến dăm gỗ XK trực thuộc Cty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn), cho biết:
“Dăm gỗ của công ty chúng tôi chủ yếu XK sang thị trường Trung Quốc. Hiện nhà máy chế biến dăm gỗ của chúng tôi có vùng nguyên liệu khá ổn định với diện tích rừng trồng khai thác hàng năm từ 200-300 ha nhưng vẫn chỉ đáp ứng được khoảng 20% nhu cầu SX.
Do đó, ngoài “săn” mua gỗ rừng trồng của những hộ gia đình trong tỉnh, chúng tôi còn phải đi tìm mua nguyên liệu ở các tỉnh ngoài như Phú Yên, Gia Lai, Bình Thuận”.
Đối với 1 đơn vị SX dăm gỗ XK khá chủ động về nguồn nguyên liệu như Cty TNHH Sông Kôn mà còn “bí” nguyên liệu như thế, thì với những đơn vị chuyên “ăn đong” nguyên liệu ắt phải chấp nhận nâng giá để tranh mua, cho có nguyên liệu hoạt động là điều dễ hiểu.
Trong khi đó, Bình Định là địa phương có nhà máy chế biến dăm gỗ XK “nở rộ” nhất nước. Nếu như năm 2009 cả tỉnh này chỉ mới có 8 NM chế biến dăm gỗ XK thì đến nay con số này đã tăng đến 21 NM.
Trước thực tế ấy, mặc dù là địa phương có sản lượng gỗ khai thác cao, nhưng sự phát triển quá nhanh của ngành dăm gỗ đã đẩy nhiều DN lâm vào cảnh khó khăn về nguyên liệu. Phần lớn nguồn nguyên liệu chủ yếu đến từ các hộ gia đình, nhưng do chi phí trồng rừng tăng cao và thời gian thu hoạch kéo dài (trên 5 năm), nên đã diễn tra tình trạng bán rừng non khi chưa đến độ thu hoạch.
Trong khi đó, do lợi nhuận thu được từ ngành này rất lớn nên kích thích các DN XK ồ ạt ra đời. Với xu hướng này, trong thời gian tới sẽ thiếu hụt nguồn nguyên liệu không chỉ cho ngành dăm mà còn ảnh hưởng đến ngành sản xuất đồ gỗ nội thất.
Ngoài ra, thị trường XK dăm tuy được mở rộng, nhưng Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ chính, chiếm 68,5% tổng sản lượng dăm XK của Bình Định, vì vậy trong quá trình SX, tiêu thụ cũng gặp nhiều rủi ro khi thị trường này biến động.
Bài viết liên quan:
BẠN MUỐN TƯ VẤN ? HÃY ĐỂ LẠI THÔNG TIN CHÚNG TÔI SẼ GỌI LẠI NGAY